Thực tập nghề nghiệp – Trải nghiệm thực tế với ngành nghề

Thực tập nghề nghiệp là một phần không thể thiếu trong chương trình đào tạo của sinh viên ngành Công nghệ sinh học. Đây là cơ hội để sinh viên áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và hiểu rõ hơn về môi trường làm việc trong tương lai. Trong học kỳ II, năm học 2023-2024, 65 sinh viên lớp K66CNSHA đã có cơ hội được thực tập tại hơn 20 cơ sở, viện nghiên cứu, các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học khác nhau tại các thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng,…  Qua 1 tháng thực tập trải nghiệm, sinh viên đã được học hỏi thêm nhiều kiến thức chuyên môn, nâng cao góc nhìn thực tế về ngành nghề.

Sinh viên lớp K66CNSHA tham gia thực tập nghề nghiệp. 

Tại khu vực Hà Nội, sinh viên đã thực tập tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu Hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Di truyền Nông nghiệp;  Viện Nghiên cứu Rau Quả; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga; Trung tâm Nghiên cứu Nguồn gen và Giống dược liệu Quốc gia; Viện Dược liệu; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ; Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm,…

Tại các thành phố, tỉnh thành khác, sinh viên đã tham gia thực tập ở: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên; Bệnh Viện Đa khoa Đức Giang; Viện Nghiên cứu Hải sản, thành phố Hải Phòng; Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc – Mỹ phẩm – Thực phẩm Hà Nam; Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed;…

Một số trải nghiệm của sinh viên và hướng nghiên cứu chính tại các cơ sở thực tập:

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Sinh viên đã tham gia thực tập tại 10 phòng khác nhau thuộc Viện Công nghệ sinh học, như: Phòng Vi sinh vật học phân tử, phòng Vi sinh vật đất, phòng Công nghệ Tế bào Động vật, phòng Tin sinh học, phòng Vi sinh vật dầu mỏ,… và phòng Hệ gen học người, Viện Nghiên cứu hệ gen. Các hướng nghiên cứu có thể kể đến như: phát triển các liệu pháp và chế phẩm sinh học trong phòng phòng và điều trị bệnh ở người và động vật; nghiên cứu các nhóm vi sinh vật đất hữu ích, định hướng ứng dụng sản xuất các chế phẩm sinh học; nghiên cứu các chủng vi sinh vật ứng dụng trong đời sống,…

 Quá trình thực tập tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

  

Viện Di truyền Nông nghiệp

Sinh viên tham gia thực tập tại bộ môn Sinh học phân tử và Bệnh học phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp. Tại bộ môn Sinh học phân tử, sinh viên được tham gia nghiên cứu công nghệ nhân nhanh sinh khối rễ sâm Ngọc Linh trong bình bioreactor, trên môi trường thạch và thực tập các kĩ thuật phân tử ở lúa.

Tại bộ môn Bệnh học phân tử, sinh viên được học hỏi các kĩ thuật sinh học phân tử ở lúa (tách chiết DNA, PCR, điện di) và xác định được sự hiện diện của các gen mục tiêu trong quần thể lúa. Từ đó, chọn tạo các giống lúa kháng bệnh và chống chịu với bất lợi môi trường như hạn, mặn, lạnh… và phát triển các phương pháp chẩn đoán và kiểm soát tác nhân gây bệnh trong nông nghiệp.

 Phòng nuôi cấy mô thực vật tại Viện Di truyền Nông nghiệp.

Viện Nghiên cứu Rau quả

Viện Nghiên cứu Rau Quả là một trong những đơn vị đi đầu trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô vào sản xuất giống cây trồng tại Việt Nam. Trong quá trình thực tập tại Viện, sinh viên đã có cơ hội thực hành kỹ thuật nuôi cấy mô các giống cây khoai tây, chuối và một số loại hoa Đồng tiền nhằm nhân nhanh và sản xuất giống.

 Sinh viên thực tập tại Viện Nghiên cứu Rau quả

  

Phòng Xét nghiệm, Vi sinh tại các trung tâm, bệnh viện lớn

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học có cơ hội tham gia thực tập tại các bệnh viện, trung tâm như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên; Bệnh Viện Đa Khoa Đức Giang. Tại đây, sinh viên được thực hành, rèn luyện nhiều kỹ năng, có thể kể đến như các phương pháp xét nghiệm liên quan đến lĩnh vực y học, xét nghiệm huyết học, sinh hóa, vi sinh và kỹ thuật PCR.

 Sinh viên tham gia thực hành xét nghiệm vi sinh.

 

Viện Nghiên cứu Hải sản, thành phố Hải Phòng

 Sinh viên thực tập tại Viện Nghiên cứu Hải sản, Thành phố Hải Phòng

Tại viện Nghiên cứu Hải sản, sinh viên được thử sức với các đề tài có hướng nghiên cứu nhằm chiết suất các chất có hoạt tính sinh học cao từ sinh vật biển phục vụ y, dược và thực phẩm chức năng như: nghiên cứu tạo dịch bón lá từ nội tạng cá; xây dựng công thức nước uống rong biển lên men; xây dựng công thức thạch rong biển ăn liền,…

Đây là một kỳ thực tập nghề nghiệp thành công. Tại các đơn vị thực tập, sinh viên đều được học hỏi các kiến thức chuyên môn, những điều cần lưu ý và được trực tiếp làm quen, thực hành các kỹ thuật tại các cơ sở giúp hiểu sâu hơn những kiến thức được truyền dạy trên giảng đường và có cơ hội nâng cao các kỹ năng trong phòng thí nghiệm, làm quen với quy trình kỹ thuật cụ thể của từng cơ sở. Với tinh thần ham học hỏi, cùng sự định hướng dẫn chỉ bảo tận tình của các cán bộ hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở, mỗi sinh viên sau đợt thực tập đều học được nhiều kiến thức chuyên môn, nâng cao góc nhìn tổng quan về ngành nghề trong thực tế, qua đó, giúp định hướng rõ ràng hơn nghề nghiệp tương lai của bản thân, cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý bản thân. Thực tập nghề nghiệp không chỉ là một học phần, mà còn là hành trang cho sinh viên vững bước trên con đường tương lai.

Tập thể lớp K66CNSHA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *