Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, tiệm cận dần với các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã đề ra; trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành nông nghiệp và khu vực kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, dưới tác động của các xu hướng mới, như chuyển đổi số, đô thị hóa và biến đổi khí hậu, việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân nước ta đang gặp phải thách thức không nhỏ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham quan triển lãm khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngày 12-10-2024 _Nguồn: nhandan.vn 

Nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân được xem là trọng tâm của nền kinh tế nước ta nhưng cũng là bộ phận được đánh giá là dễ bị tổn thương và có nguy cơ phát triển thiếu bền vững nhất. Mặc dù tính bền vững của nền nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân đã được đánh giá theo nhiều góc độ, ở các cấp độ khác nhau, tuy nhiên các nghiên cứu đều đi đến quan điểm chung đó là nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân là 3 chủ thể không thể tách rời(1). Bởi lẽ, ngành nông nghiệp năng động, phát triển lành mạnh là nền tảng quan trọng của phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở liên kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác(2). Đồng thời, sinh kế của người dân nông thôn nói chung và người nông dân nói riêng cũng sẽ được nâng cao thông qua sự tham gia hiệu quả của cộng đồng vào việc thực hiện các mục tiêu bền vững về kinh tế, xã hội, và môi trường.

Tuy nhiên, dưới tác động của các xu hướng toàn cầu mới (toàn cầu hóa, chuyển đổi số, đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu), việc thực hiện mục tiêu phát triền bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn, và nông dân của nước ta đang gặp phải những thách thức không nhỏ. Bài viết này sẽ đi vào đánh giá thực trạng phát triển bền vững của nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân nước ta ở 3 góc độ: bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường; từ đó, tìm ra các điểm yếu, tồn tại, khó khăn để đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Thực trạng phát triển bền vững về kinh tế của nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân

Giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp không ngừng gia tăng theo thời gian. Như một quy luật tất yếu trong quá trình phát triển, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ngành nông nghiệp có xu hướng giảm, nhưng nông nghiệp vẫn giữ vững vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có thương hiệu, mang lại giá trị gia tăng ngày càng cao và bền vững (Xem hình 1).

Hình 1: Giá trị và cơ cấu đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP Việt Nam

 

Tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp tuy có giảm, nhưng vẫn đạt khá cao, bình quân khoảng 3,27%/năm trong giai đoạn từ 2010 – 2023. Giai đoạn 2016 – 2019 là giai đoạn ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng thấp nhất (năm 2016 chỉ đạt 1,44% và năm 2019 chỉ đạt 2,01%)(3). Tuy nhiên, từ giai đoạn năm 2019 đến nay, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp đã không ngừng tăng lên. Đặc biệt là trong và sau giai đoạn dịch COVID-19 diễn ra, nông nghiệp đã chứng tỏ vị thế quan trọng là bệ đỡ của nền kinh tế nước ta với tốc độ tăng trưởng thuộc loại cao của thế giới (Xem hình 2).

Hình 2: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp giai đoạn 2010 – 2023

 

Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Theo thời gian, cơ cấu cây trồng của nước ta đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, theo hướng giảm dần diện tích trồng cây lương thực có hạt và cây công nghiệp hàng năm sang gieo trồng các loại cây trồng khác (cây công nghiệp lâu năm và cây dược liệu, cây ăn quả) hoặc chuyển sang đất nuôi trồng thủy sản nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng đồng thời cũng giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái (Xem hình 3). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tập trung vào phát triển nuôi trồng các loại thủy sản có lợi thế (như tôm, cá tra, nhuyễn thể…) để phục vụ thị trường xuất khẩu.

Hình 3. Cơ cấu diện tích các loại cây trồng theo thời gian

 

Chuyển dịch cơ cấu loại hình tổ chức sản xuất kinh tế nông thôn theo hướng mở rộng quy mô sản xuất và tăng tỷ trọng phi nông nghiệp dưới tác động của toàn cầu hóa và đô thị hóa. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn của thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, quy mô và phương thức sản xuất nông nghiệp đã đổi mới theo hướng tập trung và chuyên nghiệp hơn. Số doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) tăng nhanh, số hộ ngày càng giảm. Năm 2020, cả nước có 7.471 doanh nghiệp nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản), tăng 94,25% so với năm 2016; số HTX nông nghiệp là 7.418 HTX, tăng 6,8% so với năm 2016. Chỉ tính riêng cho năm 2023, hơn 1.400 doanh nghiệp đã được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lên trên 16.100 doanh nghiệp. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục tăng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Thương mại và Đầu tư Biển Đông(4). Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn gần đây, số hộ nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm. Tỷ lệ số hộ nông dân trong tổng số hộ gia đình ở nông thôn cũng giảm. Nếu như năm 2016, số hộ nông dân chiếm 58,05% trong tổng số hộ nông thôn thì đến năm 2020, tỷ lệ này còn 53,96%. Sản xuất nông nghiệp đang dần được thay thế bằng các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp; tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ các ngành phi nông nghiệp trong tổng số hộ nông thôn tăng từ 42,49% năm 2011 lên 52,08% năm 2016 và 59,22% năm 2020(5).

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta tăng nhanh qua các năm, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng. Đây là kết quả của việc thúc đẩy đổi mới cơ cấu và phương thức sản xuất cùng với nỗ lực đàm phán, tận dụng cơ hội mở rộng thị trường do toàn cầu hóa mang lại. Nếu như năm 1986, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 486 triệu USD, thì gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 41,53 tỷ USD, gấp 85 lần so với năm 1986 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới. Đáng chú ý, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục trên 53,22 tỷ USD; trong đó, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 8 mặt hàng có kim ngạch trên 2 tỷ USD, 7 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao-su, cà-phê)(6). Cán cân thương mại liên tục xuất siêu và năm 2024, dự báo xuất khẩu nông sản đạt mức rất cao – 60 tỷ USD.

Năng lực cạnh tranh và vị thế của ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(7), lợi thế cạnh tranh so sánh mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam với các “đối thủ” lớn trên thị trường thế giới qua phân tích đa chỉ tiêu, Việt Nam đứng thứ 2 (53 điểm), sau Bra-xin (67 điểm). Đây là thành công của đổi mới sáng tạo trong công tác mở cửa thị trường, chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch; doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động đưa sản phẩm nông sản vào sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều mặt hàng của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài. Nỗ lực đàm phán thương mại quốc tế thành công với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam sang trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, nhiều nông sản đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa, ngay cả ở các thị trường khó tính, nhưng đem lại giá trị gia tăng cao, như thị trường Mỹ (vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa); Ô-xtrây-li-a (vải thiều, xoài, quả có múi); Nhật Bản (thanh long, vải thiều, nhãn lồng, thịt gà),… Việc cắt giảm thuế quan theo các điều ước thương mại song phương, đa phương với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam theo hướng minh bạch, công khai, đã mở ra một triển vọng to lớn cho việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Cũng theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thị trường có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân cao là Mỹ (tăng bình quân 14,4%/năm), Trung Quốc (7,5%/năm), Hàn Quốc (8,2%/năm)(8),…

Đa dạng hóa hình thức tiêu thụ sản phẩm nông sản. Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng chuyển đổi số, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, đã góp phần tạo tiền đề và làm động lực cho ngành nông nghiệp thay đổi phương thức tổ chức sản xuất và mở rộng thị trường. Nhiều nông sản hàng hóa (bao gồm cả lâm sản và thủy sản) cùng với hình thức tiêu thụ truyền thống cũng đã tham gia các chuỗi cung ứng trên các sàn thương mại điện tử. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thương mại điện tử đã bùng nổ và hiện có nhiều sàn điện tử lớn tham gia kinh doanh nông sản. Giai đoạn này cũng ghi nhận vai trò quan trọng của thị trường nội địa khi nông sản trong nước gặp khó khăn trong việc xuất khẩu(9). Số liệu của Cổng thông tin điện tử chuyển đổi số quốc gia năm 2023 cho thấy, tính đến tháng 1-2022, đã có khoảng 5,2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử (với khoảng 1,1 triệu tài khoản đủ điều kiện giao dịch mua bán trên sàn); riêng hai sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn đã có gần 58 nghìn sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn với hàng chục nghìn giao dịch đã được thực hiện thành công(10).

Thu hoạch chôm chôm chín ở đồng bằng sông Cửu Long _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nông dân nước ta cũng còn nhiều mặt chưa thực sự bền vững.

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp có xu hướng không ổn định. Nếu giai đoạn 2010 – 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 3,80%/năm thì đến giai đoạn 2016 – 2020 chỉ còn 2,56%/năm, giai đoạn 2021 – 2023 đạt 3,28%(11). Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp đang gặp phải nhiều thách thức: 1) các nguồn lực quan trọng cho nông nghiệp là đất đai thời gian gần đây có xu hướng giảm do tác động của biến đổi khí hậu, đô thị hóa; 2) quá trình đô thị hoá cũng dẫn tới sự thiếu hụt lao động và đặc biệt là lao động chất lượng cao cho ngành nông nghiệp; 3) bất ổn giá cả đầu vào cho sản xuất do tác động của toàn cầu hóa; và đặc biệt là 4) sức cạnh tranh thấp do thiếu nguồn lực cho đổi mới sáng tạo, chưa bắt kịp xu hướng chuyển đổi số(12).

Thứ hai, có sự tăng trưởng không cân đối giữa các lĩnh vực, ngành, nghề, vùng, địa phương trong cả nước. Theo công bố của Tổng cục Thống kê(13), chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế diễn ra không đều giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, phụ thuộc vào đặc điểm riêng biệt và lợi thế của từng địa phương. Đối với địa phương có ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, chuyển dịch cơ cấu khá rõ nét; đối với địa phương có tỷ trọng nông nghiệp thấp, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chủ yếu là sự dịch chuyển giữa hai khu vực công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ và thường không rõ nét.

Thứ ba, chất lượng nông sản xuất khẩu của nước ta chưa đồng đều, chưa ổn định, trong khi yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng cao, nhất là yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, đạt chứng nhận quốc tế còn ít, chỉ khoảng 10%. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn rất ít, tổng số diện tích được chứng nhận VietGAP đến hết năm 2019 mới đạt 119.584ha, chỉ chiếm 1% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nhiều lô hàng NLTS xuất khẩu bị trả về do không đảm bảo chất lượng, có tồn dư hóa chất bị cấm. Năm 2018 có đến 48 vụ việc nông sản của Việt Nam bị Nhật Bản trả về. Năm 2019 EU cũng trả về 17 lô nông, thủy sản của Việt Nam do không đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, đã có 15/40 lô hàng vi phạm quy định ATTP bị phía Trung Quốc trả về. Tỷ lệ sản phẩm có thương hiệu còn ít, mặc dù có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ở vị trí dẫn đầu thế giới nhưng có đến hơn 80% chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác của Việt Nam nên giá trị thấp. Cụ thể, xuất khẩu hạt tiêu xếp thứ 1 thế giới nhưng giá xuất khẩu tiêu của Việt Nam chỉ đứng thứ 8; hạt điều đứng thứ 1 thế giới nhưng giá đứng thứ 6, gạo, cà phê đứng trong nhóm thứ 2 và thứ 3 thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 10. Tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, đạt chứng nhận quốc tế còn ít, chỉ đạt khoảng 10%. Nếu như năm 2019, diện tích canh tác được chứng nhận VietGAP mới đạt 119.584ha, chỉ chiếm 1% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, rất thấp. Đến hết năm 2022, cả nước có khoảng 480.000ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (chiếm khoảng 10% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp), số đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP là 8.304 cơ sở. Ngoài ra, có gần 90.000ha nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 905 trang trại và 2.543 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP. Mặc dù tỷ lệ này đã có sự cải thiện, tuy nhiên, so với quy mô trồng trọt và chăn nuôi của cả nước, diện tích cây trồng và vùng nuôi thủy sản, chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGap hiện nay còn khá khiêm tốn(14).

Nhiều lô hàng nông sản xuất khẩu bị trả về do chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Tỷ lệ sản phẩm có thương hiệu còn ít, mặc dù có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ở vị trí dẫn đầu thế giới, nhưng có đến hơn 80% chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác Việt Nam, nên giá trị thấp(15).

Thứ tư, sản xuất còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài nên dễ gặp rủi ro thị trường. Nguyên liệu, vật tư đầu vào quan trọng của nông nghiệp nước ta (phân bón tổng hợp, thức ăn chăn nuôi…) vẫn chủ yếu dựa vào nguồn nhập khẩu. Đây là mối nguy cơ dễ gây ra rủi ro lớn cho ngành nông nghiệp nước ta khi thị trường thế giới xảy ra biến động. Theo Tổng cục Hải quan, giá trị kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn và ngày càng tăng: Giai đoạn 2015 – 2020, lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng 5,5%/năm (từ 15,4 triệu tấn năm 2015, tương đương 5,3 tỷ USD, lên 20,2 triệu tấn năm 2020 tương đương 6,0 tỷ USD), cao hơn tốc độ tăng trưởng về sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước là 5,1%/năm(16).

Thứ năm, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao. Tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch của lúa gạo từ 10 – 12% trong khi trung bình các nước chỉ khoảng 6% – 8%. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế, giá trị gia tăng thấp (chiếm tới 70% – 80%), tỷ lệ chế biến sâu thấp (chỉ đạt khoảng 20% – 30%)(17). Kinh tế nông thôn chưa phát triển ổn định, bền vững mà chủ yếu tăng trưởng tự phát và “ăn theo” sự phát triển của khu công nghiệp, khu đô thị.

Thứ sáu, kết cấu hạ tầng thương mại, logistics, giao thông vận tải còn yếu, chưa đồng bộ. Hệ thống chợ, nhất là chợ bán buôn, chợ đầu mối, còn chưa được quy hoạch phù hợp, chưa được đầu tư thỏa đáng để đáp ứng yêu cầu tốc độ thương mại hóa nông sản tăng nhanh. Chưa có trung tâm kết nối nông sản tại vùng, miền; thiếu hệ thống kho ngoại quan và trung tâm hậu cần phục vụ xuất khẩu tại cửa khẩu lớn. Khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ còn thiếu. Trung tâm logistics đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế chưa được đầu tư đủ tầm,… Chi phí logistics cao, chiếm 25% GDP (tỷ lệ này ở các nước phát triển chỉ từ 9 – 15%); trong đó, chi phí vận tải chiếm 30% – 40% giá thành sản phẩm (tỷ lệ này là 15% ở các quốc gia khác). Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam(18).

 (Còn nữa)

———————————

* Kết quả nghiên cứu của đề tài độc lập cấp quốc gia KX.04.20/21-25 “Phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân gắn với chuyển đổi số quốc gia, đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu”

** TS Cao Đức Phát, TS Nguyễn Thị Thu Quỳnh, ThS Bùi Thị Khánh Hòa – Học viện Nông nghiệp Việt Nam

(1) Xem: T. Sakuyama: “Multifunctionality of Agriculture in Comparative Perspective-Priorities and Policy Instruments in Developed World” (Tạm dịch: Tính đa chức năng của nông nghiệp trong góc nhìn so sánh – Các ưu tiên và công cụ chính sách ở các nước phát triển), Journal of Rural Planning Association, 22(1), 2003, 37-45. https://doi.org/10.2750/arp.22.37 và P.B. Cobbinah, M. O. Erdiaw-Kwasie, P. Amoateng: Rethinking sustainable development within the framework of poverty and urbanisation in developing countries (Tạm dịch: Xem xét lại phát triển bền vững trong khuôn khổ đói nghèo và đô thị hóa ở các nước đang phát triển), Environmental Development, 13, 2015, 18-32. https://doi.org/10.1016/j.envdev.2014.11.001
(2) Xem: UN: “Rural Development .:. Sustainable Development Knowledge Platform” (Tạm dịch: Phát triển nông thôn .:. Nền tảng tri thức phát triển bền vững), https://sustainabledevelopment.un.org/topics/ruraldevelopment/decisions, 2022
(3) Xem: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Dự thảo (lần 5) Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050
(4) Xem: Nguyễn Văn Đoàn: “Nông nghiệp Việt Nam: Điểm sáng năm 2023 và giải pháp cho năm 2024”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 3, tháng 2-2024
(5) Xem: Tổng cục Thống kê: Kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư 2020, Hà Nội, 2021
(6) Xem: Báo cáo số 413/BC-TCTK, ngày 29-10-2023, của Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023
(7) Xem: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Báo cáo tổng hợp: Thực trạng và phương hướng phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung cấp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội, 2022
(8), (9) Xem: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Dự thảo (lần 5) Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050
(10) Cổng Thông tin điện tử chuyển đổi số quốc gia: Nông sản lên sàn Thương mại điện tử, ngày 3-10-2023, https://dx.gov.vn/nong-san-len-san-thuong-mai-dien-tu-1696128187451.htm
(11) Tổng cục Thống kê: “Thông cáo báo chí về kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020”, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/06/thong-cao-bao-chi-ve-ket-qua-dieu-tra-nong-thon-nong-nghiep-giua-ky-nam-2020
(12) Xem: Nguyễn Hữu Nhuần, Nguyễn Thị Thu Quỳnh, Nguyễn Minh Đức, Trần Mạnh Hải, Lưu Văn Duy, Hồ Ngọc Cường: “Chuyển đổi số trong nông nghiệp và hàm ý chính sách cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và Công nghiệp Việt Nam, ngày 3-8-2022, https://vjst.vn/vn/tin-tuc/6633/chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-va-ham-y-chinh-sach-cho-viet-nam.aspx
(13) Xem: Tổng cục Thống kê: Các báo cáo phân tích và dự báo thống kê năm 2022 và Các báo cáo phân tích và dự báo thống kê năm 2023
(14) Xem: Xuân Phong: “Nông sản Việt: Lo chuẩn ngoại, quên chuẩn nội?”, báo Tiền Phong điện tử, ngày 10-1-2023, https://tienphong.vn/nong-san-viet-lo-chuan-ngoai-quen-chuan-noi-post1502154.tpo
(15) Xem: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Báo cáo tổng hợp: Thực trạng và phương hướng phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung cấp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tlđd
(16), (17), (18) Xem: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Dự thảo (lần 5) Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050

 

https://www.tapchicongsan.org.vn/