Hội thảo Quốc gia Bệnh hại thực vật Việt Nam lần thứ 23

Ngày 19-7, Hội nghiên cứu Bệnh hại thực vật Việt Nam đã tổ chức đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2024-2029 và hội thảo quốc gia Bệnh hại thực vật Việt Nam lần thứ 23 tại Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 GS.TS. Vũ Triệu Mân, chủ tịch Hội nghiên cứu Bệnh hại thực vật Việt Nam, phát biểu khai mạc hội thảo

Bệnh hại là một trong các nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng nhiều loại cây trồng và có thể làm thay đổi cấu trúc hệ sinh thái, làm giảm sự phát triển của cây rừng, ảnh hưởng đến môi trường sống của động vật và các quá trình sinh thái khác.

Hội thảo về bệnh hại cây trồng là sự kiện quan trọng để các nhà nghiên cứu, người sản xuất, sinh viên, doanh nghiệp liên quan đến trồng trọt và bảo vệ thực vật học hỏi và chia sẻ thông tin về bệnh hại, ứng dụng công nghệ mới trong chẩn đoán và phòng chống bệnh hại, quản lý tổng hợp sức khỏe cây trồng.

 GS.TS. Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu tại hội thảo
 

Về dự đại hội và hội thảo có chủ tịch, phó chủ tịch, thành viên Ban chấp hành và gần 100 hội viên của Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam đang làm việc, học tập tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Hùng Vương, Đại học Quốc gia, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. 

Viện Bảo vệ thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật, Viện KHKT Nông Lâm Tây Nguyên, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Núi phía Bắc, Viện Công nghệ sinh học, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm.

Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Công ty TNHH Bayer Việt Nam, Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam, Công ty TNHH VITAD, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bù Đốp – Bình Dương và cựu sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

TS. Nguyễn Quý Dương, phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội thảo 

Đại hội đại biểu đã bầu ra Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ 2024-2029 do GS.TS. Vũ Triệu Mân làm chủ tịch.

Tại phần hội thảo khoa học, các thành viên tập trung trình bày, thảo luận về:

1. Giới thiệu về bệnh hại: Bệnh hại phổ biến trên cây trồng địa phương, những bệnh mới xuất hiện.

2. Phương pháp phòng trừ và kiểm soát: Biện pháp hiệu quả để phòng trừ và kiểm soát bệnh hại, kiểm soát bệnh theo hướng phòng bệnh thông qua sử dụng hệ vi sinh vật có ích để cải thiện sức khỏe đất trồng.

3. Thảo luận và trao đổi kinh nghiệm thực tế về cách đối phó với các bệnh hại.

4. Giới thiệu công nghệ mới: Công nghệ và phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh hại được giới thiệu và thảo luận. GS.TS. Bùi Chí Bửu trình bày về giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) trong nghiên cứu di truyền tính kháng bệnh đạo ôn của cây lúa.

5. Cập nhật thông tin khoa học: Thông tin khoa học mới về hiệu lực phòng chống bệnh cây được chia sẻ, bao gồm chia sẻ về xác định hiệu lực phòng trừ bệnh cây trong điều kiện đồng ruộng của PGS.TS. Hà Viết Cường, Bộ môn Bệnh cây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

6. Xây dựng mạng lưới, tăng cường hợp tác và hỗ trợ trong phòng trừ và kiểm soát bệnh hại.

 TS. Nguyễn Quang Tin, phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội thảo

Ngoài ra, đại biểu được nghe giới thiệu về nghiên cứu liên quan tới phát triển kỹ thuật chẩn đoán, giám định và phòng chống bệnh hại cây trồng của hội viên thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trên nhiều nhóm cây trồng quan trọng. Một số hội viên đã tham quan Phòng thí nghiệm bệnh cây; Bệnh viện Cây trồng của Học viện.

 Thành viên Hội nghiên cứu Bệnh hại thực vật Việt Nam tham dự hội thảo

Kết quả của hội thảo là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp và bảo vệ sức khỏe của cây trồng, từ đó cải thiện hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân.

 

https://tuoitre.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *